Các khu vực địa hình


Nội dung bài giảng

a) Khu vực đồi núi

-Địa hình núi chia thành 4 vùng là: Đông Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam.

+Vùng núi Đông Bắc nằm ở phía đông của thung lũng sông Hồng với 4 cánh cung lớn, chụm lại ở Tam Đảo, mở ra về phía bắc và phía đông. Đó là các cánh cung: Sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Đông Triều. Địa hình núi thấp chiếm phần lớn diện tích của vùng. Theo hướng các dãy núi là hướng vòng cung của các thung lũng sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam….

Địa hình Đông Bắc cũng thấp dần từ phía tây bắc xuống đông nam. Những đỉnh cao trên 2000m nằm trên vùng Thượng nguồn sông Chảy. Giáp biên giới Việt-Trung là các khối núi đá vôi đồ sộ ở Hà Giang, Cao Bằng, còn ở vùng trung tâm là vùng đồi núi thấp có độ cao trung bình 500-600m.

+Vùng núi Tây Bắc nằm giữa sông Hồng và sông Cả, cao nhất nước ta với 3 dải địa hình chạy cùng hướng tây bắc-đông nam.

Phía đông là dãy núi cao đồ sộ Hoàng Liên Sơn giới hạn từ biên giới Việt –Trung tới khuỷu sông Đà, có đỉnh Phanxipăng (3143m); phía tây là địa hình núi trung bình của các dãy núi chạy dọc biên giới Việt-Lào từ Khoan La Sa đến sông Cả; ở giữa thấp hơn là các dãy núi, các sơn nguyên và cao nguyên đá vôi từ Phong Thổ đến Mộc Châu tiếp nối những đồi núi đá vôi ở Ninh Bình-Thanh Hóa. Xen giữa các dãy núi là các thung lũng sông cùng hướng: sông Đà, sông Mã, sông Chu.

+Vùng núi Trường Sơn Bắc (thuộc Bắc Trung Bộ) giới hạn từ phía nam sông Cả tới dãy Bạch Mã, gồm các dãy núi song song và so le nhau theo hướng tây bắc-đông nam. Trường Sơn Bắc thấp và hẹp ngang, được nâng cao ở hai đầu: phía bắc là vùng núi Tây Thừa Thiên-Huế, ở giữa thấp trũng là vùng đá vôi Quảng Bình và vùng đồi núi thấp Quảng Trị. Mạch núi cuối cùng (dãy Bạch Mã) đâm ngang ra biển là ranh giới với vùng núi Trường Sơn Nam.

 

Hình 6. Địa hình

+ Vùng núi Trường Sơn Nam gồm các khối núi và cao nguyên. Khối núi Kon Tum và khối núi cực Nam Trung Bộ được nâng cao, đồ sộ. Địa hình núi với những đỉnh núi cao trên 2000m nghiêng đầu dần về phía đông, sườn dốc dựng chênh vênh bên dải đồng bằng hẹp ven biển. Tương phản với địa hình núi ở phía đông là các bề mặt cao nguyên badan Plây Ku, Đăk Lăk, Di Linh tương đối bằng phẳng, có các bậc độ cao khoảng 500-800-1000m và các bán bình nguyên xen đồi ở phía tây, tạo nên sự bất đối xứng rõ rệt giữa hai xườn Đông-Tây của vùng Trường Sơn Nam.

- Địa hình bán bình nguyên và đồi trung du

Nằm chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng nước ta là các bề mặt bán bình nguyên hoặc các đồi trung du. Bán bình nguyên thế hiện rõ nhất ở Đông Nam Bộ với bậc thềm phù sa cổ ở độ cao khoảng 100m và bề mặt phủ badan ở độ cao khoảng 200m. Địa hình đồi trung du phần nhiều là các thềm phù sa cổ bị chia cắt do tác động của dòng chảy. Dải đồi trung du rộng nhất nằm ở rìa phía bắc và phía tây đồng bằng sông Hồng, thu hẹp ở rìa đồng bằng ven biển miền Trung.

b) Khu vực đồng bằng

Đồng bằng nước ta chiếm khoảng ¼ diện tích lãnh thổ, được chia thành hai loại: đồng bằng châu thổ sông và đồng bằng ven biển.

- Đồng bằng châu thổ sông: gồm đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Hai đồng bằng này đều được thành tạo và phát triển do phù sa sông bồi tụ dần trên vịn biển nông, thềm lục địa mở rộng.

+ Đồng bằng sông Hồng là đồng bằng châu thổ, được bồi tụ phù sa của hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Thái Bình, đã được con người khai phá từ lâu đời và làm biến đổi mạnh. Đồng bằng rộng khoảng 15 nghìn km2, địa hình cao ở rìa phía tây và tây bắc, thấp dần ra biển. Bề mặt đồng bằng bị chia cắt thành nhiều ô. Do đó đê ven sông ngăn lũ nên vùng trong đê không được bồi tụ phù sa, gồm các khu ruộng cao bạc màu và các ô trũng ngập nước; vùng ngoài đê được bồi phù sa hằng năm.

+ Đồng bằng sông Cửu Long (Tây Nam Bộ) là đồng bằng châu thổ được bồi tụ phù sa hằng năm của hệ thống sông Mê Công.

Khác với đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long rộng hơn, diện tích khoảng 40 nghìn km2, địa hình thấp và bằng phẳng hơn. Trên bề mặt đồng bằng không có đê nhưng có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt; về mùa lũ, nước ngập trên diện rộng, còn về mùa cạn, nước triều lấn mạnh. Gần 2/3 diện tích đồng bằng là đất mặn, đất phèn. Đồng bằng có các vùng trũng  lớn như Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên,….là những nơi chưa được bồi đắp xong.

-Đồng bằng ven thổ:

Dải đồng bằng ven biển miền Trung có diện tích khoảng 15 nghìn km2. Biển đóng vai trò chủ yếu trong sự hình thành dải đồng bằng này nên đất ở đây thường nghéo, nhiều cát, ít phù sa sông. Đồng bằng phân nhiều hẹp ngang và bị chia cắt thành nhiều đồng bằng nhỏ.

Chỉ một số đồng bằng được mở rộng ở các cửa sông lớn như đồng bằng Thanh Hóa của hệ thống sông Mã, sông Chu, đồng bằng Nghệ An (sông Cả), đồng bằng Quảng Nam (sông Thu Bồn) và đồng bằng Tuy Hòa (sông Đà Rằng). Ở nhiều đồng bằng thường có sự phân chia làm ba dải: giáp biển là cồn cát, đầm phá; giữa là vùng thấp trũng; dải trong cùng đã được bồi tụ thành đồng bằng.