Các thế mạnh và hạn chế chủ yếu


Nội dung bài giảng

a) Thế mạnh

Đất là tài nguyên quan trọng hàng đầu của Đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù là đất phù sa, nhưng tính chất của nó tương đối phức tạp. Ở đồng bằng sông Cửu Long có 3 nhóm đất chính là: đất phù sa ngọt, đất phèn và đất mặn.

Hình 41.1.Sơ đồ các loại đất chính ở Đồng bằng sông Cửu Long

 

Hình 41.2. Các loại đất chính ở Đồng bằng sông Cửu Long

 

Khí hậu của Đồng bằng sông Cửu Long thể hiện rõ rệt tính chất cận xích đạo. Tổng số giờ nắng trung bình năm là 2200-2700 giờ. Chế độ nhiệt cao, ổn định với nhiệt độ trung bình năm 25-27oC. Lượng mưa hằng năm lớn (1300-2000mm), tập trung vào các tháng mùa mưa (từ tháng V đến tháng XI).

Mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, cắt xe châu thổ thành những ô vuông, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đường thủy, sản xuất và sinh hoạt.

Sinh vật cũng là nguồn tài nguyên có giá trị ở Đồng bằng sông Cửu Long

Thảm thực vật chủ yếu là rừng ngập mặn (Cà Mau, Bạc Liêu…) và rừng tràm (Kiên Giang, Đồng Tháp,…). Về động vật, có giá trị cả là cá và chim.

Tài nguyên biển ở đây hết sức phong phú với hàng trăm bãi cá, bãi tôm và hơn nửa triệu ha mặt nước nuôi trồng thủy sản.

Các loại khoáng sản chủ yếu là đá vôi (Hà Tiên, Kiên Lương) và than bùn (U Minh, Tứ Giác Long Xuyên….). Ngoài ra, còn có dầu khí ở thềm lục địa bước đầu đã được khai thác.

b) Hạn chế

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, mùa khô kéo dài từ tháng XII đến tháng IV năm sau. Vì vậy, nước mặn xâm nhập vào đất liền, làm tăng độ chua và chua mặn trong đất. Ngoài ra, đôi khi có thể xảy ra các thiên tai khác.

Phần lớn diện tích của đồng bằng là đất phèn, đất mặn. Cùng với sự thiếu nước trong mùa khô đã làm cho việc sử dụng và cải tạo đất gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, một vài loại đất lại thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là các nguyên tố vi lượng hoặc đất quá chặt, khó thoát nước.

Tài nguyên khoáng sản hạn chế, gây trở ngại cho việc phát triển kinh tế-xã hội của đồng bằng.