Khai thác, chế biến khoáng sản và thủy điện


Nội dung bài giảng

Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng giàu tài nguyên khoáng sản bậc nhất nước ta. Các khoáng sản chính là than, sắt, thiếc, chì-kẽm, đồng, apatit, pyrit, đá vôi và sét làm xi măng, gạch ngói, gạch chịu lửa….Tuy nhiên việc khai thác đa số các mỏ đòi hỏi phải có các phương tiện hiện đại và chi phí cao.

Vùng than Quảng Ninh là vùng than lớn bậc nhất và chất lượng than tốt nhất Đông Nam Á. Hiện nay, sản lượng khai thác đã vượt mức 30 triệu tấn/năm. Nguồn than khai thác được chủ yếu dùng làm nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện và để xuất khẩu. Trong vùng có nhà máy nhiệt điện Uông Bí và Uông Bí mở rộng (Quảng Ninh) tổng công suất 450 MW, Cao Ngạn (Thái Nguyên) 116 MW, Na Dương (Lạng Sơn ) 110 MW. Trong kế hoạch sẽ xây dựng nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả (Quảng Ninh) công suất 600 MW.

Tây Bắc có một số mở khá lớn như mỏ quặng đồng-niken (Sơn La), đất hiếm (Lai Châu). Đông Bắc có nhiều mỏ kim loại, đáng kể hơn cả là mỏ sắt (Yên Bái), kẽm-chì (Chợ Điền-Bắc Kạn), đồng-vàng (Lào Cai), thiếc và bôxit (Cao Bằng). Mỗi năm vùng sản xuất khoảng 1000 tấn thiếc.

Các khoáng sản phi kim đáng kể có apatit (Lào Cai). Mỗi năm khai thác khoảng 600 nghìn tấn quặng để sản xuất phân lân.

Các sông suối có trữ lượng thủy điện khá lớn. Hệ thống sông Hồng (11 triệu kW) chiếm hơn 1/3 trữ năng thủy điện của cả nước. Riêng sông Đà chiếm gần 6 triệu kW. Nguồn thủy năng lớn này đã và đang được khai thác như nhà máy thủy điện Thác Bà trên sông Chảy (110 MW), nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà (1920 MW). Hiện nay đang triển khai xây dựng nhà máy thủy điện Sơn Là trên sông Đà (2400 MW), thủy điện Tuyên Quang trên sông Gâm (342 MW). Nhiều nhà máy thủy điện nhỏ đang được xây dựng trên phụ lưu của các sông. Việc phát triển thủy điện sẽ tạo ra động lực mới cho sự phát triển của vùng, nhất là việc khai thác và chế biến khoáng sản trên cơ sở nguồn điện rẻ và dồi dào. Nhưng với những công trình kĩ thuật lớn hơn như thế, cần chú ý đến những thay đổi không nhỏ của môi trường.