Khai thác và chế biến lâm sản


Nội dung bài giảng

Lâm nghiệp cũng là một thế mạnh nổi bật của Tây Nguyên Vào đầu thập kỉ 90 của thế kỉ XX, trong khi rừng của nhiều vùng nước ta đang ở tình trạng cạn kiệt, thì ở Tây Nguyên rừng vẫn che phủ 60% diện tích lãnh thổ. Tây Nguyên còn nhiều rừng gỗ quý (cẩm lai, gu mật, nghiến, trắc, sến), nhiều chim, thú quý (voi, bò tót, gấu…). Vào thời gian đó, rừng Tây Nguyên chiếm tới 36% diện tích đất có rừng và 52% sản lượng gỗ có thể khai thác của cả nước. Tây Nguyên thực sự là “kho vàng xanh” của nước ta.

Tuy nhiên, sự suy giảm tài nguyên rừng đã khiến sản lượng khai thác gỗ hằng năm không ngừng giảm, từ 600-700 nghìn m3 vào cuối thập kỉ 80, nay chỉ còn khoảng 200-300 nghìn m3/năm.

Hình 37.2. Các bậc thang thủy điện trên Tây Nguyên

Trong những năm gần đây, nạn phá rừng gia tăng, làm giảm sút nhanh lớp phủ rừng và giảm sút trữ lượng các loại gỗ quý, đe dọa môi trường sống của các loài chim, thú quý, làm hạ mực nước ngầm về mùa khô. Phần lớn gỗ khai thác được đem xuất ra ngoài vùng dưới dạng gỗ tròn chưa qua chế biến. Một phần đáng kể gỗ cành, ngọn chưa được tận thu. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải ngăn chặn nạn phá rừng, khai thác rừng hợp lí đi đôi với khoanh nuôi, trồng rừng mới. Công tác giao đất giao rừng cần được đẩy mạnh. Cần đẩy mạnh hơn nữa việc chế biến gỗ tại địa phương và hạn chế xuất khẩu gỗ tròn.