Tình hình phát triển kinh tế Bắc Trung Bộ


Nội dung bài giảng

1. Nông nghiệp

Nhìn chung, Bắc Trung Bộ gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Năng suất lúa cũng như bình quân lương thực có hạt (lúa, ngô) theo đầu người đang ở mức thấp so với cả nước.

Hình 24.1. Biểu đồ lương thực có hạt bình quấn đầu người, thời kì 1995-2002

Nhờ việc đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất nên dải đồng bằng ven biển các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh trở thành những nơi sản xuất lúa chủ yếu ở Bắc Trung Bộ. Một số cây công nghiệp hàng năm như lạc, vừng,...được trồng với diện tích khá lớn trên các vùng đất cát pha duyên hải. Vùng đồi gò phía tây trồng nhiều cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm, chăn nuôi trâu bò đàn, trong khi vùng ven biển phía đông phát triển rộng rãi nghề nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản.

Chương trình trồng rừng, xây dựng hệ thống hồ chứa nước đang được triển khai tại các vùng nông - lâm kết hợp nhằm phát triển nông nghiệp, giảm nhẹ thiên tai và bảo vệ môi trường.

2. Công nghiệp

-Nhờ có nguồn khoáng sản, đặc biệt là đá vôi, Bắc Trung Bộ phát triển công nghiệp khai khoáng và sản xuất vật liệu xây dựng. Đây là những ngành công nghiệp quan trọng hàng đầu của vùng.

Các ngành công nghiệp chế biến gỗ, cơ khí, dệt kim, may mặc, chê biến thực phẩm với quy mô vừa và nhỏ đang phát triển ở hầu hết các địa phương. Cơ sở hạ tầng kĩ thuật và công nghệ, cũng như việc cung ứng nhiên liệu, năng lượng của vùng đang được cải thiện.

3. Dịch vụ

Nhờ vị trí cầu nối giữa Bắc Bộ với các tỉnh phía nam nên Bắc Trung Bộ là địa bàn trung chuyển một khối lượng lớn hàng hoá và hành khách giữa hai miền Nam – Bắc đất nước ; từ Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan ra Biển Đông và ngược lại.

Trong xu thế kinh tế mở, du lịch cũng bắt đầu phát triển, số lượng khách du lịch tới Bẳc Trung Bộ ngày càng tăng nhanh.