Lý thuyết sơ lược về Niken, Kẽm, Chì, Thiếc


Nội dung bài giảng

1. Niken

- Thuộc nhóm VIIIB, chu kì 4, số hiệu nguyên tử là 28.

- Cấu hình electron nguyên tử : [Ar]3d84s2.

- Thường có số oxi hóa +2 trong các hợp chất.

- Có tính khử yếu : tác dụng với phi kim ở nhiệt độ cao ; tác dụng với  dung dịch axit ; tác dụng với dung dịch muối ; bền với nước và không khí ở nhiệt độ thường.

- Niken được dùng mạ lên sắt để làm đẹp, chống gỉ và còn được dùng làm chất xúc tác.

2. Kẽm

- Thuộc nhóm IIB, chu kì 4, số hiệu nguyên tử là 30.

- Cấu hình electron nguyên tử : [Ar]3d104s2.

- Thường có số oxi hóa +2 trong các hợp chất.

- Có tính khử mạnh hơn sắt : tác dụng với phi kim ở nhiệt độ cao ; tác dụng với dung dịch muối và axit ; bền với nước và không khí ở nhiệt độ thường.

- Kẽm được mạ lên tôn để chống gỉ và còn được dùng làm pin khô.

3. Chì

- Thuộc nhóm IVA, chu kì 6, số hiệu nguyên tử là 82.

- Cấu hình electron nguyên tử : [Xe]4f145d106s26p2.

- Thường có số oxi hóa là +2, +4 nhưng số oxi hóa +2 phổ biến và bền hơn.

- Có tính khử yếu : tác dụng với phi kim ở nhiệt độ cao, không tác dụng với các dung dịch HCl, H2SO4 loãng do PbCl2 và PbSO4 kết tủa ; tan được trong dung dịch HNO3 và H2SO4 đặc nóng do tạo được muối tan Pb(HSO4)2 ; tác dụng với dung dịch muối ; bền với nước và không khí ở nhiệt độ thường ; tan chậm trong dung dịch kiềm nóng.

- Được dùng để chế tạo bản cực acquy, đầu đạn và chế tạo thiết bị chống tia phóng  xạ.

4. Thiếc

- Thiếc thuộc nhóm IVA, chu kì 5, số hiệu nguyên tử là 50.

- Cấu hình electron nguyên tử : [Kr]4d105s25p2.

- Có số oxi hóa +2 và  +4 trong các hợp chất.

- Có tính khử yếu hơn Ni : tác dụng với phi kim ở nhiệt độ cao ; tác dụng chậm với dung dịch axit (HNO3 loãng : Sn -> Sn2+ ; H2SO4, HNO3 đặc : Sn -> Sn4+ ); tác dụng với dung dịch muối; bền với nước và không khí ở nhiệt độ thường ; bị hòa tan trong dung dich kiềm đặc.

- Sn được mạ lên sắt tây để chống gỉ và được dùng làm thiếc hàn.