Bình giảng bốn câu kết trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận.


Nội dung bài giảng

   Lửa thiêng (1940) của Huy Cận là một tập thơ sáng giá trong Thơ mới Việt Nam. Phong cảnh trong Lửa thiêng, nhất là trong các bài thơ Vạn lí tình, Tràng giang, Đẹp xưa... đều đượm một nỗi buồn man mác:

Tôi ngã ba sông nước bốn bề

  Nửa chiều gà lạ gáy trên đê...

   Đó là con sông Thâm bên núi Mồng Gà thuộc Hương Sơn (Hà Tĩnh), quê hương thân yêu của nhà thơ. Trong Tràng giang, một nỗi buồn như dồn nén thấm sâu vào cảnh vật và lan xa muôn vàn con sóng, nhất là bốn câu kết của bài thơ:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

           Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa,

  Lòng quê dợn dợn vời con nước,

         Không khói hoàng hôn củng nhớ nhà.

   Bao trùm cả bài thơ là một không gian nghệ thuật bao la, thật đẹp và cũng thật buồn. Có sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp. Có lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu. Có lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng... và trước mắt nhà thơ là một khung cảnh bao la, vắng vẻ: Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

   Khổ cuối nói đến hoàng hôn trên tràng giang. Một cái nhìn xa vời vợi. Trước mắt nhà thơ là những núi mây nhô lên, đùn lên lớp lớp màu trắng bạc. Cảnh sắc thiên nhiên rất tráng lệ. Bầu trời chắc là xanh thẳm, hoặc tím thầm trong khoảnh khắc hoàng hôn nên màu mây ở cuối chân trời mới ánh lên màu bạc ấy. Giữa cái bao la mênh mộng bỗng xuất hiện một cánh chim nhỏ nhoi. Cánh chim dang chở nặng bóng chiều, bay vội vã. Trên cái nền tím sẫm, nhạt nhòa của bóng chiều hôm, hiện lên những núi bạc mây cao và một con chim lạc đàn nghiêng cánh nhỏ. Hai nét vẽ ấy tượng trưng cho những cảnh chiều hôm trong tâm tưởng người lữ thứ: Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi... (Bà Huyện Thanh Quan), Chim hôm thoi thóp về rừng... (Nguyễn Du). Nghệ thuật tương phản giữa cánh chim nghiêng nhỏ bé và mờ dần với núi mây bạc hùng vĩ, với trời đất bao la đã làm cho cảnh đất trời và tràng giang thêm mênh mông hơn, xa vắng hơn, và cũng buồn hơn.

   Bốn câu kết mang ý vị cổ điển rất đậm đà. Ý vị ấy, màu sắc ấy được thể hiện ở hình ảnh nhà thơ một mình đứng lẻ loi giữa vũ trụ bao la, lặng lẽ cảm nhận cái vô cùng của không gian, thời gian đối với kiếp người hữu hạn. Một cánh chim, một núi mây bạc... cũng dẫn hồn ta đi về mọi nẻo, đến với mọi phía chân trời: Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm - Mặt đất mây đùn cửa ải xa (Đỗ Phủ). Ý vị cổ điển ấy lại được tô đậm bằng một tứ thơ Đường:

Lòng quê dợn dợn vời con nước

       Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

   Hơn mười hai thế kỉ trước, trong bài thơ Hoàng Hạc lâu, Thôi Hiệu đã viết:

Quê hương khuất bóng hoàng hôn,

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

(Tàn Đà dịch)

   Huy Cận nhìn cao rồi nhìn xa theo tràng giang vời con nước, ở trên nhà thơ đã phủ định: Mênh mông không một chuyến đò ngang - Không cầu gợi chút niềm thân mật... thì ở đây, ông lại nói: Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà. Nỗi buồn cô đơn và nỗi nhớ quê tràn ngập tâm hồn khách tha hương trong buổi hoàng hôn, bên dòng sông đang mải miết trôi về tận phương nào xa xôi.

   Thơ Huy Cận hàm súc, cổ điển và thấm đẫm màu sắc triết lí suy tưởng. Một hồn thơ bơ vơ, sầu não ấy luôn hướng tới sự giao hòa giữa con người và tạo vật trên một không gian mênh mông, vắng lặng. Cảnh sắc trong Tràng giang đẹp mà buồn. Tình quê, lòng quê trong bốn câu kết thật vô cùng sâu sắc, thắm thiết. Đó là những vần thơ mãi mãi vương vấn lòng người trong mọi thời gian và không gian.

   Thơ thất ngôn trong Tràng giang mang vẻ đẹp cổ kính, trang trọng. Mỗi khổ thơ nếu đứng tách riêng ra sẽ trở thành một bài tứ tuyệt thể hiện sâu sắc cảm hứng mà tác giả đã viết trong lời đề từ: Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài. Nỗi buồn bâng khuâng và nỗi nhớ ấy là của một tấm lòng đang hoài vọng quê hương. Âm điệu đoạn thơ trầm bổng như muôn ngàn sóng gợn buồn điệp điệp trong lòng người đọc bấy lâu nay. Cảnh sắc hoàng hôn và lòng quê được nói đến trong đoạn thơ mãi mãi khơi gợi trong ta hình bóng quê hương yêu dấu. Tràng giang đã và đang mang theo bao vạn lí tình trong hồn ta..