Phân tích bài thơ Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ (Bài 1)


Nội dung bài giảng

I. Hiểu biết chung

- Nguyễn Công Trứ là gương mặt thơ tiêu biểu của Văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XIX. Cuộc đời làm quan nhà Nguyễn của ông lắm thăng trầm nhưng cũng đạt được nhiều công danh hiển hách. Vốn xuất thân từ “cửa Khổng sân Trình” nên ông tiếp thu tư tưởng tích cực của nhà Nho, dấn thân hành đạo đem tài năng giúp ích cho đời, xem đó là cái nợ công danh phải trả. Bản chất cương trực thanh liêm nên ông rất coi thường danh lợi. Tổng kết cuộc đời của mình, ông viết bài thơ nổi tiếng bằng thể ca trù Bài ca ngất ngưởng lúc nghỉ hưu năm 1848. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ thể hiện thái độ tự tôn tài năng phẩm hạnh, xem thường thế tục và thái độ ấy gói gọn trong hai từ “ngất ngưởng”.

- Bố cục bài thơ: có ba phần.

+ Tám câu đầu: Ngất ngưởng lúc làm quan.

+ Bốn câu tiếp: Ngất ngưởng lúc nghỉ quan.

+ Bảy câu cuối: Lời tự đánh giá.

II. Hướng cảm thụ.

1. Ngất ngưởng lúc làm quan.

   Mở đầu bài thơ là câu thơ chữ Hán khẳng định tài năng của kẻ sĩ: trong trời đất này không có việc gì là không gánh vác nổi. Đây là phương châm hành thế xuất xứ của nhà Nho. Câu thơ còn thể hiện thái độ tự tôn của bậc quân tử có tài kinh bang tế thế, đúng như thuở làm trai ông từng nguyện ước:

Chí làm trai Nam Bắc Tây Đông

Cho thỏa sức vẫy vùng trong bốn bể.

                                  (Chí làm trai)

   Những câu thơ sau cụ thế hóa ý tưởng cho câu thơ chữ Hán:

Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng dốc Đông

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.

   Phép liệt kê danh vị và quyền cao chức trọng, giọng điệu hơi khoa trương cho thấy được một cuộc đời vẫy vùng ngang dọc, làm nên công danh sự nghiệp lớn lao hơn người. Đúng là không việc gì không làm và làm một cách bài bản rạng rỡ, ngang ngửa với đời. Nhìn lên bảng công danh chẳng thấy thua kém đời nên Nguyễn Công Trứ cho mình là một tay ngất ngưởng. Giọng thơ tự tin hào phóng có nhắc đến công trạng nhưng không hề nghĩ đến lợi ích công danh, biểu lộ thái độ coi thường công danh. Nhân cách cao khiết này là cái giá đỡ tư tưởng cho tác phẩm.

   Thế nên cởi áo mũ từ quan, ông ra đi rất nhẹ nhàng:

Đô môn giải tổ chi niên.

   Và làm một việc ngược đời:

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.

   Đây là hành vi ngất ngưởng, khác người cho thích chí, bất chấp việc khen chê là “ngông”. Điều ấy còn tỏ thái độ khinh thị xã hội kinh kì:

Xuống ngựa, lên xe, nọ tưởng nhàn,

Lợm mùi giáng chức với thăng quan.

Điền viên dạo chiếc xe bò cái,

Sẵn sắm mo che miệng thế gian.

   Đến khi cáo quan về quê ông còn giữ được phong cách “ngông” ấy.

2. Ngất ngưởng lúc nghi quan

   Hình ảnh núi Đại Hải xuất hiện như một nhân vật đón ông về quê, cũng là dấu chấm chia hai phần đời. Nguyễn Công Trứ đã để lại đằng sau cả một thời vẫy vùng ngang dọc, còn phía trước là một thế giới trống vắng thanh bần, là một vùng trời rộng bao la, thảnh thơi nhẹ nhàng:

Đường mây rộng thênh thênh cử bộ,

Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo,

Thảnh thơi thơ túi rượu bầu.

                            (Chí làm trai)

   Những vị quan về ở ẩn thường vui thú điền viên còn Nguyễn Công Trứ thì chọn lối sống phá cách:

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi

Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì.

   Việc làm này cho thấy lối sống phóng túng thảnh thơi vui vẻ, sống ngất ngưởng cho vui lạ mắt đời. Cảnh một ông già đi ngoạn cảnh có vài bóng cô nương theo đủng đỉnh dềnh dàng là cảnh tượng trái mắt trêu ngươi chứ không phải là đắm say tửu sắc nên Bụt phải bật cười độ lượng:

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.

Như vậy ngất ngưởng lúc nghỉ quan là một lối sống phóng túng.

3. Nhưng khi nhìn lại toàn bộ cuộc đời Nguyễn Công Trứ đã tự nghiêm túc đánh giá:

             Được mất dương dương người tái thượng.

         Khen chê phơi phới ngọn đông phong,

Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,

               Không Phật, không Tiên, không vướng tục.

   Nguyễn Công Trứ không quan tâm đến việc được mất là biểu hiện tư tưởng hư tâm của Phật giáo, coi thường dư luận khen chê ở đời là tư tưởng vô vi của Đạo giáo. Lạc thú không từ chối nhưng không vướng tục. Những suy nghĩ này được thể hiện qua những câu thơ giàu nhạc điệu, tiết tấu thoải mái phù hợp với tư tưởng phóng khoáng và làm toát ra chí khí ngang tàng, bản lĩnh cứng cỏi. Nhà thơ hành xử như vậy là thoát khỏi sự ràng buộc của tiền tài, vật chất, những cám dỗ hưởng lạc, kể cả búa rìu của dư luận. Điều đó càng cho thấy nhân cách của Nguyễn Công Trứ cao khiết, bản lĩnh. (Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp / Trong thú yên hà mặt tỉnh say) (Thú ẩn dật). Đó là phẩm hạnh, còn tài năng thì sao? Ông cho rằng cũng tạm được:

Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú.

   Nhà thơ tự đánh giá mình một cách khiêm tốn, nhưng cái mà ông tôn thờ cả cuộc đời, trở thành lí tưởng sống đó là:

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung.

   Cả cuộc đời ông đã thực hiện đúng lí tưởng trung quân nên không thẹn với trời đất, không ăn năn hay tiếc rẻ. Đã sống trọn đạo lí nên mới tự hào, tự tôn:

Trong triều ai ngất ngưởng như ông!

   Vậy ngất ngưởng ở đây là một niềm hạnh phúc khi sống một cuộc đời có ý nghĩa trọn vẹn.

III. Kết luận

   Bài thơ được sáng tác theo thể hát nói so với thể thơ Đường luật bấy giờ thì đây là một thể thơ tự do phóng túng, phù hợp với việc thể hiện nội dung tư tưởng của bài thơ. Bài thơ tổng kết cuộc đời sự nghiệp, phong cách và lối sống của tác giả. Qua hành vi và lối sống ngất ngưởng, người đọc thấy được một con người có nhân cách cao khiết, tài năng và phẩm hạnh. Và điều đáng quý nhất là sống trọn vẹn cuộc đời cho nước cho dân mà không hề vụ lợi. Bài thơ thể hiện ý thức và khẳng định cái tôi cá nhân - mầm mông của yếu tố nghệ thuật hiện đại - một dấu hiệu tư tưởng mới, bắt đầu manh nha để sau đó hình thành và phát triển trong văn học đầu thế kỉ XX.