Cải cách tôn giáo và chiến tranh nông dân


Nội dung bài giảng

a)   Cải cách tôn giáo

Trong thời trung đại, giáo hội Kitô là chỗ dựa vững chắc nhất của chế độ phong kiến châu Âu. Nó chi phối toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội. Đến hậu kì trung đại, Giáo hội ngày càng có xu hướng ngăn cản, chống lại các phong trào của giai cấp tư sản đang lên. Cuộc đấu tranh chống phong kiến đã làm bùng lên ngọn lửa của phong trào Cải cách tôn giáo.

Đi đầu trong phong trào cải cách là các nhà tư tưởng theo chủ nghĩa nhân văn. Họ đề ra những tư tưởng tiến bộ.

Phong trào Cải cách tôn giáo diễn ra ở khắp các nước Tây Âu. Đi đầu là Đức, Thuỵ Sĩ, sau đó sang Bỉ, Hà Lan, Pháp, Anh. Nổi tiếng nhất là cuộc cải cách tôn giáo của M. Lu-thơ (1483 - 1546) ở Đức và của G. Can-vanh (1509 - 1564, người Pháp) ở Thuỵ Sĩ.

Các nhà cải cách Lu-thơ và Can-vanh thực chất đều không có ý định thủ tiêu tôn giáo, mà chỉ dùng biện pháp ôn hoà để tiến hành cải cách, bãi bỏ các thủ tục và lễ nghi phiền toáiCải cách tôn giáo đã được đông đảo nhân dân ủng hộ và lan rộng khắp châu Âu ở thế kỉ XVI. Giáo hội đã phản ứng dẫn đến sự phân hoá trong xã hội Tây Âu thành Tân giáo và Cựu giáo.

Các phong trào Cải cách tôn giáo và Văn hoá Phục hưng là những cuộc đấu tranh công khai đầu tiên trên lĩnh vực văn hoá tư tưởng của giai cấp tư sản chống lại giai cấp phong kiến đã suy tàn. Nó cổ vũ và mở đường cho nền văn hoá châu Âu phát triển cao hơn.

b)  Chiến tranh nông dân Đức

Ở Đức, trong và sau Cải cách tôn giáo, nền kinh tế thấp kém, chế độ phong kiến bảo thủ đã cản trở việc vươn lên của giai cấp tư sản. Người nông dân cũng bị áp bức bóc lột nặng nề nên đã tiếp thu cải cách tôn giáo, tiếp thu tư tưởng của Lu-thơ. Từ mùa xuân 1524, cuộc đấu tranh đã có tính chất quyết liệt, mở đầu cho cuộc chiến tranh nông dân thật sự. Người lãnh tụ kiệt xuất của phong trào ở Tô-mát Muyn-xe.

Tô-mát Muyn-xe xuất thân từ một gia đình thợ mỏ ở xton-béc. Thuở nhỏ, ông rất chăm học ; 15 tuổi đã lập trong trường ông học một hội kín chống Giám mục Ma-đơ-bua và nhà thờ La Mã. Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông trở thành Linh mục. Năm 1521, ông ra nước ngoài, sau đó trở về Đức vận động cách mạng, ông rất đồng cảm với nhân dân, lên án gay gắt sự hủ bại của Giáo hội, lên án chế độ bóc lột phong kiến, ông kêu gọi nông dân nổi dậy chống áp bức ; tuyên truyền và mở cuộc xây dựng một xã hội bình đẳng cho mọi người.

Phong trào nông dân đã giành được thắng lợi bước đầu. Trước sự phát triển của phong trào, giới quý tộc phong kiến và tăng lữ Đức đã dùng mọi thủ đoạn, dốc mọi lực lượng đàn áp. Phong trào nông dân bị tổn thất nặng nề.

Cuộc chiến tranh nông dân Đức là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử lớn lao. Nó biểu hiện tinh thần đấu tranh quyết liệt và khí phách anh hùng của nông dân Đức đấu tranh chống lại Giáo hội và chế độ phong kiến. Nó cũng báo hiệu sự khủng hoảng suy vong của chế độ phong kiến.