Cuộc đấu tranh thống nhất nước Đức


Nội dung bài giảng

Đến giữa thế kỉ XIX, kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Đức phát triển nhanh chóng ; từ một nước nông nghiệp, Đức trở thành nước công nghiệp. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp làm cho đội ngũ công nhân tăng nhanh ; riêng ở Béc-lin, chỉ trong 10 năm (1849 - 1859), số công nhân tăng từ 5 vạn lên 18 vạn. Béc-lin trở thành trung tâm chế tạo máy móc.
Công nghiệp và các thành thị phát triển nhanh chóng đã thôi thúc nhiều quý tộc địa chủ chuyển sang kinh doanh theo lối tư bản chủ nghĩa : sử dụng máy móc, thuê mướn nhân công, đẩy mạnh khai khẩn...
Phương thức kinh doanh mới tạo nên tầng lớp quý tộc tư sản hoá, gọi là Gioongke.

Trở ngại lớn nhất cho sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Đức là đất nước vẫn trong tình trạng bị chia xẻ thành nhiều vương quốc, trong đó Áo và Phổ là hai vương quốc lớn nhất. Vấn đề thống nhất đất nước ngày càng trở thành yêu cầu cấp thiết.

Bộ phận quý tộc quân phiệt Phổ đại diện là Bi-xmác, được sự ủng hộ của giai cấp tư sản đã dùng vũ lực để thống nhất đất nước bằng ba cuộc chiến tranh với các nước láng giềng : chống Đan Mạch (1864), chống Áo (1866) và chống Pháp (1870 - 1871). Do thắng lợi, năm 1867, Liên bang Bắc Đức ra đời, bao gồm 18 quốc gia ở Bắc Đức và 3 thành phố tự do. Hiến pháp Đức được thông qua, thừa nhận quyền lực tối cao thuộc về vua Phổ và hạn chế vai trò của Quốc hội.
Với sự thất bại của Pháp trong cuộc chiến tranh Pháp — Phổ (1870 - 1871), Bi-xmác đã gạt được ảnh hưởng của Pháp, thu phục các bang miền Nam, hoàn thành việc thống nhất đất nước.
Ngày 18 - 1 - 1871, lễ thành lập Đế chế Đức được tổ chức tại Cung điện Véc-xai (Pháp). Vua Phổ Vin-hem I chính thức lên ngôi Hoàng đế. Bi-xmác trở thành Thủ tướng nước Đức. Tháng 4-1871, Hiến pháp mới được ban hành, quy định nước Đức là một liên bang gồm 22 bang và 3 thành phố tự do, củng cố vai trò của quý tộc quân phiệt Phổ.
Như vậy, việc thống nhất nước Đức mang tính chất một cuộc cách mạng tư sản, tạo điều kiện cho kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ ở Đức.