Thể chế dân chủ cổ đại biểu hiện ở chỗ nào ?


Nội dung bài giảng

Hơn 30000 người là công dân A-ten, có tư cách và có quyền công dân. Khoảng 15000 kiều dân (dân nơi khác đến ngụ cư) được tự do sinh sống, buôn bán, làm ăn, nhưng không có quyền công dân. Chừng hơn 300000 nô lệ lao động, phục dịch và không có quyền gì cả, là tài sản riêng của mỗi chủ nô.

Ưu thế của quý tộc xuất thân là bô lão của thị tộc đã bị đánh bạt. Quyền lực xã hội chuyển vào tay các chủ nô, chủ xưởng và nhà buôn. Đây là kết quả của một quá trình đấu tranh gay go, quyết liệt.

Thắng lợi quyết định cuộc đấu tranh này là sự hình thành một thể chế dân chủ. Hơn 30000 công dân họp thành Đại hội công dân, bầu và cử ra các cơ quan nhà nước, quyết định mọi công việc nhà nước.

Người ta không chấp nhận có vua. Có 50 phường, mỗi phường cử 10 người, làm thành một Hội đồng 500, có vai trò như “quốc hội”, thay mặt dân quyết định công việc trong nhiệm kì 1 năm. Ở đây, người ta bầu 10 viên chức điều hành công việc (như kiểu một chính phủ) và cũng có nhiệm kì 1 năm. Viên chức có thể tái cử nếu được bầu. Hằng năm, mọi công dân họp một lần ở quảng trường, nơi ai cũng được phát biểu và biểu quyết những việc lớn của quốc gia.

Thể chế dân chủ như thế đã phát triển cao nhất ở A-ten. Nơi nào không có kiểu tổ chức trên thì cũng có hình thức đại hội nhân dân.