Thị quốc Địa Trung Hải


Nội dung bài giảng

Ven bờ Bắc Địa Trung Hải có nhiều đồi núi chia cắt đất đai thành nhiều vùng nhỏ, không có điều kiện tập trung đông dân cư ở một nơi.

Mặt khác, khi dân cư sống thiên về nghề buôn và nghề thủ công thì sự tập trung đông đúc lại không cần thiết. Mỗi vùng, mỏi mỏm bán đảo là giang sơn của một bộ lạc. Khi xã hội có giai cấp hình thành thì đây cũng là một nước. Mỗi thành viên là công dân của nước mình. Nước thì nhỏ, nghề buôn lại phát triển nên dân cư sống tập trung ở thành thị. Phần chủ yếu của một nước là thành thị với một vùng đất đai trồnag trọt ở xung quanh. Thành thị có phố xá, lâu đài,  đền thờ, sân vận động, nhà hát và quan trọng hơn cả là có bến cảng. Cho nên, người ta còn gọi nước đó là thị quốc (thành thị là quốc gia).

Chẳng hạn, At-tích là một mũi đất nhỏ ở Đông Nam Hi Lạp ngày nay, xưa kia là một thị quốc, có diện tích hơn 2000 km2, dân số khoảng 400000 người, phần lớn sống ở thành thị A-ten (nay là thủ đô của Hi Lạp), có 3 hải cảng, trong đó lớn nhất là cảng Pi-rê. Người ta gọi A-ten là thị quốc, đại diện cho cả At-tích.

Hơn 30000 người là công dân A-ten, có tư cách và có quyền công dân. Khoảng 15000 kiều dân (dân nơi khác đến ngụ cư) được tự do sinh sống, buôn bán, làm ăn, nhưng không có quyền công dân. Chừng hơn 300000 nô lệ lao động, phục dịch và không có quyền gì cả, là tài sản riêng của mỗi chủ nô.

Ưu thế của quý tộc xuất thân là bô lão của thị tộc đã bị đánh bạt. Quyền lực xã hội chuyển vào tay các chủ nô, chủ xưởng và nhà buôn. Đây là kết quả của một quá trình đấu tranh gay go, quyết liệt.

Thắng lợi quyết định cuộc đấu tranh này là sự hình thành một thể chế dân chủ. Hơn 30000 công dân họp thành Đại hội công dân, bầu và cử ra các cơ quan nhà nước, quyết định mọi công việc nhà nước.

Người ta không chấp nhận có vua. Có 50 phường, mỗi phường cử 10 người, làm thành một Hội đồng 500, có vai trò như “quốc hội”, thay mặt dân quyết định công việc trong nhiệm kì 1 năm. Ở đây, người ta bầu 10 viên chức điều hành công việc (như kiểu một chính phủ) và cũng có nhiệm kì 1 năm. Viên chức có thể tái cử nếu được bầu. Hằng năm, mọi công dân họp một lần ở quảng trường, nơi ai cũng được phát biểu và biểu quyết những việc lớn của quốc gia.

Thể chế dân chủ như thế đã phát triển cao nhất ở A-ten. Nơi nào không có kiểu tổ chức trên thì cũng có hình thức đại hội nhân dân.

Thị quốc cổ đại là đô thị buôn bán, làm nghề thủ công và sinh hoạt dân chủ. Mỗi thành thị là một nước riêng. Ở đó, người ta bàn và quyết định nên buôn bán với nước nào và loại hàng gì, dùng ngân quỹ vào việc gì, nên trợ cấp cho dân nghèo bao nhiêu ; có biện pháp gì để duy trì thể chế dân chủ và đặc biệt là có chấp nhận tiến hành chiến tranh hay không.

Lãnh thổ của thị quốc không rộng nhưng số dân lại đông. Đất trồng trọt ở đây đã ít, mà người ta lại cần ít trồng lúa, nhưng nơi đây có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển buôn bán. Do đó, các thị quốc luôn luôn giữ quan hệ buôn bán với nhau và với các vùng xa. Nhờ đó, các thị quốc trở nên rất giàu có.

Đặc biệt là A-ten, sau cuộc chiến tranh với Ba Tư, trở thành minh chủ của các quốc gia Hi Lạp, lại nắm ưu thế trên biển, quản lí một ngân quỹ rất lớn, có thu nhập hằng năm rất cao. A-ten đã miễn thuế cho mọi công dân và trợ cấp cho các công dân nghèo đủ sống.

Sự giàu có của Hi Lạp dựa trên nền kinh tế công thương nghiệp, sử dụng lao động nô lệ, làm các việc trồng, hái nho, khai mỏ, chèo thuyền và khuân vác... khiến cho sự cách biệt giữa giàu và nghèo, giữa chủ nô và nô lệ ngày càng lớn. Ở Rô-ma, sự cách biệt này càng lớn hơn.

Nô lệ bị bóc lột và bị khinh rẻ nên thường phản kháng chủ nô. Ở Hi Lạp, hình thức phản kháng chủ yếu là trẻ nải trong lao động và bỏ trốn, nhất là khi có chiến tranh. Ở Rô-ma thì họ nổi dậy khởi nghĩa chống đối thực sự.

Chữ khắc trên đầu cổng hoàn môn Trai-an:

IMP (eratori) CAESARI DIVI NERVAE FILIO NERVAE TRA-IANO OPTIMO AVG (usto) GER-MANICO DACICO PONTIF (ici) MAX (imo) TRIB (uniciae) POTEST (atis) XVIII IMP (eratori) VII COS (consuli) VI (atri) P (atriae) FORTISSIMO PRINCIPI SENAVTS P.Q.R.

(Thượng viện và dân chúng Rô-ma dâng tặng Khải hoàn môn [này] cho Hoàng đế Xê-da, [và] con của Ne-rva Trai-an, đức độ và cao cả,, người chiến thắng Giéc-man và Đa-xi-a, Đại Tư tế, Hộ dân 18 kì, Tổng chỉ huy 7 trận, Chấp chính 6 kì, Quốc phụ, Nguyên thủ anh dũng nhất.