Thị tộc và bộ lạc


Nội dung bài giảng

Đến giai đoạn Người tinh khôn, số dân đã tăng lên. Từng nhóm người cũng đông đúc hơn, gồm 2-3 thế hệ già trẻ cùng có chung dòng máu, được gọi là thị tộc - những người “cùng họ”.

Trong thị tộc, con cháu có thói quen tôn kính lớp ông bà. cha mẹ. Ngược lại, ông bà cha mẹ đều chăm lo bảo đảm nuôi dạy tất cả con cháu của thị tộc.

Trên một vùng sinh sống thuận lợi như ven sông, suối... thường không chỉ có thị tộc mà còn có bộ lạc.

Bộ lạc là tập hợp một số thị tộc, sống cạnh nhau, có họ hàng với nhau và cùng có một nguồn gốc tổ tiên xa xôi. Giữa các thị tộc trong một bộ lạc thường có quan hệ gắn bó với nhau, giúp đỡ nhau.

Đương nhiên, công việc thường xuyên và hàng đầu của thị tộc là kiếm thức ăn để nuôi sống thị tộc.

Những công việc như thế nhất là việc săn đuổi, săn bẫy các con thú lớn, thú chạy nhanh, luôn đòi hỏi sự phân công hợp lí, sự “chung lưng đấu cật”, mỗi người mỗi việc, phối hợp ăn ý với nhau.

Yêu cầu của công việc và trình độ lao động thời nguyên thuỷ đòi hỏi sự hợp tác lao động của nhiều người, của các thị tộc.

Thức ăn kiếm được chưa nhiều, chưa có đều đặn. Mọi người còn phải cùng làm, cùng cố gắng đến mức cao nhất để kiếm sống nên tự nhiên người ta thấy cần phải công bằng, phải được hưởng thụ bằng nhau.

Như thế, trong thị tộc không chỉ có sự hợp tác mà mọi của cải, mọi sinh hoạt được coi là của chung, việc chung, làm chung, ăn chung.