Về tư tưởng, tôn giáo


Nội dung bài giảng

Nho giáo từng bước suy thoái, tôn ti trật tự phong kiến không còn được tôn trọng như trước mặc dù các chính quyền Lê - Trịnh, Nguyễn tìm mọi cách củng cố. Phật giáo, Đạo giáo có điều kiện khôi phục vị trí của mình nhưng không được như dưới thời Lý, Trần. Chùa quán được xây dựng thêm. Nhiều vị chúa quan tâm xây dựng, sửa sang các ngôi chùa lớn. Nhân dân, quan chức cũng đóng góp tiền của, ruộng đất, sửa sang chùa chiền, đúc chuông, tô tượng.

Từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII, nhiều giáo sĩ đạo Thiên Chúa phương Tây theo các thuyền buôn nước ngoài vào Việt Nam truyền đạo. Nhà thờ Thiên Chúa giáo mọc lên ở nhiều nơi. Đạo Thiên Chúa trở thành một tôn giáo lan truyền trong cả nước. Tuy nhiên, về sau do nhiều điểm khác biệt, hoạt động truyền giáo của các giáo sĩ bị nhà nước phong kiến cấm đoán.

Thế kỉ XVII, cùng với sự truyền bá của Thiên Chúa giáo, chữ Quốc ngữ theo mẫu tự Latinh cũng được sáng tạo. Tuy nhiên, bấy giờ chữ Quốc ngữ chỉ dược dùng chủ yếu trong phạm vi hoạt động truyền giáo, mà không được phổ cập rộng rãi trong xã hội.

Tiếp nhận ảnh hưởng của các tư tưởng và tôn giáo, người dân Việt Nam đã tạo nên một nếp sống văn hoá riêng trên cơ sở hoà nhập với nền văn hoá cổ truyền thể hiện trong quan hệ gia đình, người già người trẻ, phân biệt phải trái, đúng sai, chân thực, khoan dung trong cuộc sống.

Đồng thời, các tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp được phát huy, tôn trọng như thờ cúng tổ tiên, tôn thờ những người có công với làng với nước, nhất là những người có công lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh chùa chiền, các nhà thờ đạo, những đền thờ, lăng miếu được xây dựng ở nhiều nơi.