Xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước - chính sách ngoại giao


Nội dung bài giảng

Sau khi đánh bại Vương triều Tây Sơn, năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long, lập ra nhà Nguyễn, đóng đô ở Phú Xuân (Huế). Năm 1804, nhà Nguyễn đổi tên nước là Việt Nam, nhưng sau đó lại đổi thành Đại Nam.

Chính quyền trung ương được tổ chức theo mô hình thời Lê với sự gia tăng quyền lực của vua. Đất nước mới hợp nhất hai miền nên bước đầu vua Gia Long phải chia thành ba vùng : Bắc thành (gồm các trấn ở Bắc Bộ ngày nay), Gia Định thành (các trấn thuộc Nam Bộ ngày nay) và các Trực doanh do triều đình trực tiếp cai quản (Trung Bộ ngày nay). Chính quyền trung ương cai quản cả nước, song mỗi thành lại có một Tổng trấn trực tiếp trông coi. Các trấn, dinh vẫn giữ như cũ.

Năm 1831 - 1832, vua Minh Mạng quyết định bỏ Bắc thành và Gia Định thành, chia cả nước làm 30 tỉnh và một phủ Thừa Thiên. Mỗi tỉnh đều có Tổng đốc, Tuần phủ cai quản cùng hai ti, hoạt động theo sự điều hành của triều đình. Các phủ, huyện, châu, tổng, xã vẫn giữ như cũ.

Ban đầu, quan lại được tuyển chọn từ những người trước đây theo Nguyễn Ánh ; về sau, giáo dục, khoa cử trở thành nguồn tuyển chọn chính. Chế độ lương bổng được quy định, nhưng không có phần ruộng đất. Mặc dù có một số quan lại thanh liêm, nhưng một bộ phận đáng kể đã trở nên thoái hoá như ở thời cuối Lê.
Một bộ luật mới được ban hành - Hoàng Việt luật lệ (còn gọi là Hoàng triều luật lệ hay Luật Gia Long) - gồm gần 400 điều, quy định chặt chẽ việc bảo vệ nhà nước và các tôn ti trật tự phong kiến.
Quân đội được tổ chức quy củ với số lượng khoảng 20 vạn người, được trang bị vũ khí đầy đủ, có đại bác, súng tay, thuyền chiến.
Đối với nhà Thanh, triều đình Nguyễn chịu phục tùng, nhưng đối với Lào và Chân Lạp lại bắt họ thần phục.
Trước sự nhòm ngó của các nước phương Tây, nhà Nguyễn chủ trương “đóng cửa”, không chấp nhận việc đặt quan hệ với họ.