Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp trong chiến tranh đã tác động như thế nào tới nền kinh tế của nước ta ?


Nội dung bài giảng

Nhân dân Việt Nam phải đóng góp nhiều thứ thuế, mua công trái…Trong 4 năm  chiến tranh, chính quyền thuộc địa đã thu được trên 184 triệu phrăng tiền công trái và 14 triệu phrăng tiền quyên góp; ngoài ra, hàng trăm tấn lương thực và nông lâm sản các loại, hàng vạn tấn kim loại cần thiết cho vũ khí được đưa sang Pháp. Sự cướp bóc ráo riết của thực dân Pháp đã tác động mạnh mẽ đến tình hình kinh tế, xã hội ở Việt Nam.

Công nghiệp thuộc địa phải gánh đỡ những tổn thất, thiếu hụt của chính quốc trong thời gian chiến tranh. Những mỏ đang khai thác nay được bỏ vốn thêm; một số công ti than mới xuất hiện như các công ti than Tuyên Quang (1915), Đông Triều (1916)…

Chiến tranh làm cho hàng hóa nhập khẩu từ Pháp sang Đông Dương giảm hẳn xuống, từ 107 triệu phrăng năm 1913 xuống còn 33 triệu phrăng năm 1918. Để giải quyết khó khăn trên, tư bản Pháp phải nới lỏng độc quyền, cho tư bản người Việt được kinh doanh tương đối tự do, khiến cho công thương nghiệp và giao thông vận tải ở Việt Nam có điều kiện phát triển. Các xí nghiệp của người Việt có từ trước chiến tranh đều được mở rộng thêm phạm vi và quy mô sản xuất, đông thời xuất hiện thêm nhiều xí nghiệp mới.

Nguyễn Hữu Thu-vốn chỉ là chủ một hãng xe kéo nhỏ ở Hải Phòng, trong chiến tranh đã có gần 10 tàu chở khách chạy ở Bắc Kì, Trung Kì và chạy đường Hải Phòng-Hương Cảng, trọng tải tổng cộng hơn 1 000 tấn. Công ti Bạch Thái Bưởi (Hải Phòng ) từ 3 tàu chở khách, lên đến 25 tàu với trọng tải 4 042 tấn. Phạm Văn Phi (Vinh) trong những năm chiến tranh lập ra công ti xe hơi, tới năm 1918 đã có xe chạy khắp Bắc Kì, Trung Kì. Ở các ngành khác, cũng xuất hiện nhiều cơ sở kinh doanh của người Việt như: xưởng thủy tinh Chương Mĩ ở Hà Đông; công ti xà phòng Quảng Hưng Long ở Hà Nội; các nhà máy xay ở Mĩ Tho, Rạch Giá, Gò Công; nhà máy rượu ở Bạc Liêu; nhà in Lê Văn Phúc ở Hà Nội…Ngoài ra, nhiều xưởng thủ công được dịp ra đời, kinh doanh hầu hết các ngành thủ công dân dụng như da giày, chiếu cói, đồ khảm.

Nông nghiệp từ chố độc canh cấy lúa đã chuyển một phần sang trồng các loại cây công nghiệp phục vụ chiến tranh như thầu dầu, đậu , lạc….Ở các tỉnh trung du Bắc Kì có tới 251 ha đất trồng lúa chuyển sang trồng đậu tây. Trong 4 năm chiến tranh, nông nghiệp trồng lúa gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 1915, các tỉnh Sơn Tây, Bắc Ninh, Hòa Bình,,,bị hạn, đến mức mùa màng gần như mất trắng. Giữa năm này, đê vỡ ở hầu hết các sông lớn thuộc Bắc Kì, làm ngập tới 22 000 ha.