Nhật Bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa


Nội dung bài giảng

Trong 30 năm cuối thế kỉ XIX, đặc biệt từ sau cuộc Chiến tranh Trung-Nhật (1894-1895), chủ nghĩa tư bản phát triển nhanh chóng ở Nhật Bản. Công nghiệp (nhất là công nghiệp nặng), ngành đường sắt, ngoại thương, hàng hải có những chuyển biến quan trọng. Việc đẩy mạnh công nghiệp hóa kéo theo sự tập trung trong công nghiệp, thương nghiệp và ngân hàng. Nhiều công ty độc quyền xuất hiện như Mít-xưi, Mít-su-bi-si…Các công ti làm chủ nhiều ngân hàng, hầm mỏ, xí nghiệp, đường sắt, tài biển…và có khả năng chi phối, lũng đoạn cả kinh tế lẫn chính trị ở Nhật Bản.

Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Nhật Bản cuối thế kỉ XIX-đầu thế kỉ XX đã tạo nên sức mạnh kinh tế, quân sự và chính trị cho giới cầm quyền thi hành chính sách xâm lược và bành trướng. Nhật Bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa gắn liền với các cuộc chiến tranh xâm lược: Chiến tranh Đài Loan (1874), Chiến tranh Trung-Nhật (1894-1895) và chiến tranh đế quốc: Chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905). Thắng lợi  trong các cuộc chiến tranh này đã đem đến cho Nhật Bản nhiều hiệp ước có lợi về đất đai và tài chính, thúc đẩy nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế.

Mặc dù tiến lên chủ nghĩa tư bản, song Nhật Bản vẫn duy trì quyền sở hữu ruộng đất phong kiến. Tầng lớp quý tooch, đặc biệt là giới võ sĩ Samurai, vẫn có ưu thế chính trị rất lớn. Họ chủ trương xây dựng Nhật Bản bằng sức mạnh quân sự. Tình hình đó làm cho đế quốc Nhật có đặc điểm là chủ nghĩa đế quốc phong kiến quân phiệt.

Cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản là sự bần cùng hóa của quần chúng nhân dân lao động. Công nhân Nhật Bản phải làm việc mỗi ngày từ 12 đến 14 giờ, trong những điều kiện rất tồi tệ mà tiền lương lại thấp hơn rất nhiều so với ở các nước châu Âu và châu Mĩ. Sự bóc lột nặng nề của giới chủ đã dẫn tới nhiều cuộc đấu tranh của công nhân đòi tăng lương, cải thiện đời sống, đòi quyền tụ do, dân chủ.

Sự phát triển của phong trào công nhân là cơ sở cho việc thành lập các tổ chức nghiệp đoàn.

Năm 1901, Đảng Xã hội dân chủ Nhật Bản được thành lập, dưới sự lãnh đọa của Ca-tai-a-ma Xen.

Ca-tai-a-ma Xen xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 23 tuổi, ông làm công nhân in ở Tô-ki-ô, tham gia hoạt động tích cực trong phong trào công nhân. Năm 1898, ông lãnh đạo công nhân đường sắt bãi công giành thắng lợi sau hàng tháng đấu tranh. Ông là một lãnh tụ nổi tiếng của phong trào công nhân Nhật Bản; sau này là bạn của Nguyễn Ái Quốc trong Quốc tế cộng sản.