Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời


Nội dung bài giảng

1.Sự xuất hiện các tổ chức cộng sản năm 1929

Năm 1929, phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân, tiểu tư sản và các tầng lớp nhân dân yêu nước khác đã phát triển, kết thành một làn sóng dân tộc dân chủ ngày càng lan rộng.

Cuối tháng 3-1929, một số hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Bắc Kì họp tại số nhà 5D, phố Hàm Long (Hà Nội) đã lập ra chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, gồm 7 đảng viên. Chi bộ đã mở rộng cuộc vận động thành lập một đảng cộng sản nhằm thay thế cho Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Từ ngày 1 đến ngày 9-5-1929, Đại hội lần thứ nhất của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên họp tại Hương Cảng (Trung Quốc). Tại Đại hội, đoàn đại biểu Bắc Kì đặt vấn đề phải thành lập ngay đảng cộng sản để thay thế Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, song không được chấp nhận nên đoàn đã bỏ Đại hội về nước.

Đại hội đã thông qua Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ của Hội v.v..

Ngày 17-6-1929, địa biểu các tổ chức  cơ sở cộng sản ở Bắc Kì họp Đại hội tại nhà số 312, phố Khâm Thiên (Hà Nội) quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản đảng, thông qua Tuyên ngôn, Điều lệ, ra báo  Búa liềm  làm cơ quan ngôn luận và cử ra Ban Chấp hành Trung ương của Đảng.

Khoảng tháng 8-1929, các cán bộ lãnh đạo tiên tiến trong Tổng bộ và Kì bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Nam Kì cũng đã quyết định thành lập An Nam Cộng sản đảng. Tờ báo Đỏ là cơ quan ngôn luận của Đảng. Vào khoảng tháng 11-1929, An Nam Cộng sản đảng họp tại đại hôi để thông qua đường lối chính trị và bầu Ban Chấp hành Trung ương của Đảng.

Tháng 9-1929, những người giác ngộ cộng sản trong Đảng Tân Việt tuyên bố Đông Dương Cộng sản liên đoàn chính thức thành lập.

Sự ra đời của ba tổ chức cộng sản là một xu thế khách quan của cuộc vận động giải phóng dân tộc ở Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản.

Nhưng các tổ chức đó đều hoạt động riêng rẽ, tranh giành ảnh hưởng với nhau, làm cho phong trào cách mạng trong nước có nguy cơ dẫn đến sự chia rẽ lớn.

Giữa lúc đó, Nguyễn Ái Quốc được tin Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên phân liệt thành hai nhóm, mỗi nhóm tổ chức thành một đảng cộng sản. Người liền rời khỏi Xiêm, sang Trung Quốc để thong nhất các tổ chức cộng sản.

3.Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Với cương vị là phái viên của Quốc tế Cộng sản, có quyền quyết định mọi vấn đề liên quan tới phong trào cách mạng ở Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc chủ động triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản đảng và  An Nam cộng sản đảng đến Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc để bàn việc hợp nhất.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản bắt đầu từ ngày 6-1-1930 tại Cửu Long, do Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Dự Hội nghị có Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh là đại biểu của Đông Dương Cộng sản đảng, Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu là đại biểu của An Nam Cộng sản đảng.

Nguyễn Ái Quốc phê phán những quan điểm sai lầm của các tổ chức cộng sản riêng rẽ và nêu chương trình Hội nghị.

Hội nghị đã thảo luận và nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất lấy tên Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng…do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Đó là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hình 30. Nguyễn Ái Quốc (đầu những năm 30)

Cương lĩnh xác định đường lối chiến lược cách mạng của Đảng là tiến hành “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Nhiệm vụ của cuộc cách mạng là đánh đổ đế quốc Pháp, bọn phong kiến và tư sản phản cách mạng, làm cho nước Việt Nam được độc lập tự do; lập chính phủ công nông binh, tổ chức quân đội công nông; tịch thu hết sản nghiệp lớn của đế quốc; tịh thu ruộng đất của đế quốc và bọn phản cách mạng chia cho dân cày nghèo, tiến hành cách mạng ruộng đất v.v.. Lực lượng cách mạng là công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức; còn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư sản thì lợi dụng hoặc trung lập, đông thời phải liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản thế giới. Đảng Cộng sản Việt Nam –đội tiên phong của giai cấp vô sản- sẽ giữ vai trò lãnh đạo cách mạng.

Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo là một cương lĩnh cách mạng giải phóng dân tộc sáng tạo; kết hợp đúng vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp. Độc lập và tự do là tư tưởng cốt lõi của cương lĩnh này.

Nhân dịp Đảng ra đời, Nguyễn Ái Quốc ra Lời kêu gọi công nhân, nông dân, binh lính thanh niên, học sinh, anh chị em bị áp bức, bóc lột,

Lời kêu gọi có đoạn:

“Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Đó là Đảng của giai cấp vô sản, Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản  lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thế anh chị em bị áp bức, bóc lột của chúng ta”.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam mang tầm vóc lịch sử của một đại hội thành lập Đảng. Ngày 8-2-1930, các đại biểu dự Hội nghị về nước.

Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng được thành lập, gồm 7 ủy viên. Tiếp đến, các xứ ủy Bắc Kì, Trung Kì và Nam Kì cũng được thành lập.

Ngày 24-2-2930, theo đề nghị của Đông Dương cộng sản liên đoàn, tổ chức này  được gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (họp tháng 9-1960) quyết định lấy ngày 3-2 hàng năm là ngày kỉ niệm thành lập Đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp quyết liệt của nhân dân Việt Nam, là sự sang lọc nghiêm khắc của lịch sử trên con đường đấu tranh trong mấy thập kỉ đẩu của thế kỉ XX.

Đảng ra đời là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác –Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam trong thời đại mới. Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ đấy, cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta đặt dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng có đường lối cách mạng khoa học và sáng tạo, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ đảng viên trung kiên, nguyện suốt đời hi sinh cho lí tưởng của Đảng, cho độc lập của dân tộc, cho tự do của nhân dân,

Đảng ra đời là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên có tính quyết định cho những bước phát triển nhảy vọt mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam.