Mâu thuẫn Đông-Tây và sự khởi đầu của chiến tranh lạnh


Nội dung bài giảng

Từ liên minh chống phát xít, sau chiến tranh, hai cường quốc Liên Xô-Mĩ nhanh chóng chuyển sang thế đối đầu và đi tới tình trạng chiến tranh lạnh.

Trước hết, đó là sự đối lập về mục tiêu và chiến lược giữa hai cường quốc, Liên Xô chủ trương duy trì hòa bình, an ninh thế giới, bảo vệ những thành quả của chủ nghĩa xã hội và đẩy mạnh phong trào cách mạng thế giới. Ngược lại, Mĩ ra sức chống phá Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, đẩy lùi phong trào cách mạng nhằm thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới. Mĩ hết sức lo ngại trước ảnh hưởng to lớn của Liên Xô cùng những thắng lợi của các cuộc cách mạng dân chủ nhân dân ở các nước Đông Âu, đặc biệt là sự thành công của cách mạng Trung Quốc với sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chủ nghĩa xã hội đã trở thành một hệ thống thế giới, trải dài từ Đông Âu tới phía đông châu Á.

Nhưng cũng sau chiến tranh, Mĩ đã vươn lên thành một nước tư bản giàu mạnh nhất, vượt xa các nước tư bản khác, nắm độc quyền vũ khí nguyên tử. Mĩ tự cho mình có quyền lãnh đạo thế giới.

Sự kiện được xem là khởi đầu cho chính sách chống Liên Xô, gây nên cuộc Chiến tranh lạnh là thông điệp của Tổng thống Truman tại Quốc hội Mĩ ngày 12-2-1947. Trong đó, Tổng thống Mĩ khẳng định: sự tồn tại của Liên Xô là nguy cơ lớn đối với Mĩ và đề nghị viện trợ khẩn cấp 400 triệu USD cho hai nước Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kì.

“Học thuyết Truman” nhằm: 1. Củng cố các chính quyền phản động và đẩy lùi phong trào đấu tranh yêu nước ở Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kì; 2. Biến hai nước Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kì thành những căn cứ tiền phương chống Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân Đông Âu từ phía nam của các nước này.

Hai là, sự ra đời của “Kế hoạch Mácsan” (6-1947). Với khoản viện trọ khoảng 17 tỉ USD, Mĩ đã giúp các nước Tây Âu phục hồi nền kinh tế bị tàn phá sau chiến tranh. Mặt khác, qua kế hoạch này, Mĩ còn nhằm tập hợp các nước Tây Âu vào liên minh quân sự chống Liên Xô và các nước Đông Âu.

Việc thực hiện “Kế hoạch Mácsan” đã tạo nên sự phân chia đối lập về kinh tế và chính trị giữa các nước Tây Âu tư bản chủ nghĩa và các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa.

Ba là, việc thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ngày 4-4-1949, Tại Oasinhtơn, Mĩ và 11 nước phương Tây (Anh, Pháp), Canada ,Italia, Bỉ, Hà Lan, Lúcxămbua, Đan Mạch, Na Uy, Aixơlen, Bồ Đào Nha) đã kí Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Sau đó, thêm Hi Lạp, Thổ Nhĩ Kì (2-1952), Cộng hòa Liên bang Đức(5-1955), Tây Ban Nha (1982).(1)

Đây là liên minh quân sự lớn nhất của các nước tư bản phương Tây do Mĩ cầm đầu nhằm chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.

Tháng 1-1949, Liên Xô và các nước Đông Âu thành lập Hội đồng tương trợ kinh tế để hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước xã hội chủ nghĩa. Tháng 5-1955, Liên Xô và các nước Đông Âu (Anbani, Ba Lan, Hunggari, Bungari, Cộng hòa dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Rumani) đã thành lập Tổ chức hiệp ước Vácsana, một liên minh chính trị, quân sự mang tính chất phòng thủ của các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu.

Sự ra đời của NATO và Tổ chức hiệp ước Vácsana đã đánh dấu sự xác lập của cục diện hai cực, hai phe. Chiến tranh lạnh đã bao trùm cả thế giới.