Vụ mưu khởi nghĩa ở Huế (1916). Khởi nghĩa của binh lính và tù chính trị ở Thái Nguyên (1917)


Nội dung bài giảng

Nhân khi thực dân Pháp thực hiện chiến dịch bắt lính ráo riết để đưa sang chiến trường châu Âu, những người yêu nước tiến bộ của hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, do Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo, đã bí mật liên lạc với số binh lính bị tập trung tại thành phô' Huế và mời vua Duy Tân (lên ngôi năm 1907) tham gia cuộc khởi nghĩa.
Kế hoạch khởi sự được dự kiến vào đêm mùng 3 rạng sáng 4 - 5 - 1916 tại Huế. Song việc chuẩn bị của những người lãnh đạo có nhiều sơ hở nên kế hoạch bị bại lộ. Các trại lính người Việt đều bị đóng cửa, khí giới bị tước. Thái Phiên. Trần Cao Vân bị bắt và sau đó bị kết án tử hình. Vua Duy Tân bị truất ngôi rồi đưa đi đày ở châu Phi.
Một cuộc khởi nghĩa khác của binh lính cũng nổ ra ở Thái Nguyên vào năm 1917. Nhờ hằng ngày tiếp xúc với tù chính trị. trong đó có Lương Ngọc Quyến(1). một số binh lính do Trịnh Văn Cấn (tức Đội Cấn) cầm đầu được giác ngộ và đã phối hợp với tù chính trị tiến hành khởi nghĩa.


Nghĩa quân đã giết chết viên Giám binh Pháp, phá nhà lao, thả tù chính trị, chiếm các công sở và làm chủ tỉnh lị Thái Nguyên trong một tuần lễ, nhưng lại không chiếm được trại lính Pháp. Do vậy, khi viện binh Pháp kéo đến, chúng tập trung từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra làm cho nghĩa quân phải rút ra khỏi tỉnh lị. Lương Ngọc Quyến đã anh dũng hi sinh trong chiến đấu.
Cuộc chiến đấu kéo dài gần 5 tháng ở rừng núi vô cùng gian khổ. Bị thương, Đội Cấn đã tự sát, nêu cao ý chí bất khuất của người chỉ huy và của các nghĩa quân anh hùng.
Ngoài ra, trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ nhất cũng nổ ra cuộc đấu tranh chống Pháp của đồng bào các dân tộc, chủ yếu ở Tây Nguyên, tiêu biểu là cuộc nổi dậy của đồng bào Mơ-nông do Nơ-trang Lơng (NTrang Lơng) chỉ huy.