Chính sách đối nội và đối ngoại của Nhật Bản sau chiến tranh


Nội dung bài giảng

Về đối nội, nhờ những cải cách sau chiến tranh, Nhật Bản đã chuyển từ một xã hội chuyên chế sang một xã hội dân chủ. Đảng Cộng sản và nhiều chính đảng khác được công khai hoạt động, phong trào bãi công và các phong trào dân chủ phát triển rộng rãi. Suốt một thời kì dài từ năm 1955 đến năm 1993, Đảng Dân chủ Tự do (LDP), đại diện cho quyền lợi của giai cấp tư sản liên tục cầm quyền. Nhưng từ năm 1993, Đảng Dân chủ Tự do đã mất quyền lập chính phủ, phải nhường chỗ hoặc liên minh với các lực lượng đối lập.
Đây là một sự kiện quan trọng, một móc trong đời sống chính trị ở Nhật Bản. Tình hình chính trị Nhật Bản không thật ổn định, có lúc chỉ trong một thời gian, các chính phủ liên tiếp thay đổi, đòi hỏi phải có một mô hình chính trị mới với sự tham gia cầm quyền của nhiều chính đảng.
Về đối ngoại, sau chiến tranh Nhật Bản là một nước bại trận, hoàn toàn lệ thuộc vào Mĩ về chính trị và an ninh. Ngày 8 - 9 - 1951, Nhật Bản kí với Mĩ “Hiệp ước an ninh Mĩ - Nhật”, theo đó, Nhật Bản chấp nhận đặt dưới “ô bảo hộ hạt nhân” của Mĩ và để Mĩ đóng quân, xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nhật Bản. Hiệp ước an ninh Mĩ - Nhật đã được gia hạn vào các năm 1960- 1970 và được nâng cấp vào những năm 1996- 1997. Nhờ đó, trong thời kì Chiến tranh lạnh, Nhật Bản chỉ dành 1 % tổng sản phẩm quốc dân cho những chi phí quân sự, còn tập trung sức vào phát triển kinh tế (trong khi các nước khác chi phí quân sự là 4 - 5%, thậm chí có nước lên tới 20%).
Từ nhiều thập niên qua, các giới cầm quyền Nhật Bản thi hành một chính sách đối ngoại mềm mỏng về chính trị và tập trung vào phát triển các quan hệ kinh tế đối ngoại như trao đổi buôn bán, tiến hành đầu tư và viện trợ cho các nước, đặc biệt đối với các nước Đông Nam Á. Từ đầu những năm 90 của thế kỉ XX, Nhật Bản nỗ lực vươn lên trở thành một cường quốc chính trị để tương xứng với vị thế siêu cường kinh tế của mình.