Miền Bắc hoàn thành cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế, cải tạo quan hệ sản xuất


Nội dung bài giảng

1. Hoàn thành cải cách ruộng đất
Qua 5 đợt cải cách ruộng đất (tiến hành từ cuối năm 1953 đến năm 1956), có khoảng 81 vạn hécta ruộng đất, 10 vạn trâu bò, 1,8 triệu nông cụ lấy từ tay giai cấp địa chủ chia cho hơn 2 triệu hộ nông dân. Khẩu hiệu “Người cày có ruộng” đã trở thành hiện thực. Giai cấp địa chủ phong kiến bị đánh đổ. Giai cấp nông dân được giải phóng, trở thành người chủ ở nông thôn.

Trong quá trình thực hiện cải cách ruộng đất, chúng ta đã phạm một số sai lầm như đầu tư cả những địa chủ kháng chiến, những người thuộc tầng lớp trên có công với cách mạng ; quy nhầm một số nông dân, cán bộ, bộ đội, đảng viên thành địa chủ.

Sai lầm trong cải cách ruộng đất được Đảng và Chính phủ phát hiện và có chủ trương, biện pháp sửa sai ngay khi kết thúc cái cách. Nhờ đó mà hậu quả được hạn chế và ý nghĩa của cải cách vẫn hết sức to lớn.
Sau cải cách ruộng đất, bộ mặt nông thôn miền Bắc đã thay đổi cơ bản, giai cấp địa chủ phong kiến bị đánh đổ, khối công nông liên minh được củng cố. Thắng lợi của cải cách ruộng đất góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh.
2. Khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh
Về nông nghiệp, nông dân hăng hái khai khẩn ruộng đất bỏ hoang, cày cấy hết ruộng đất vắng chủ, tăng thêm đàn trâu bò, sắm thêm nông cụ. Nhiều đập nước (như Bái Thượng ở Thanh Hóa , Đô Lương ở Nghệ An. Thác Huống ở Thái Nguyên...), nhiều đê điều bị địch phá được sửa chữa. Đến cuối năm 1957, sản lượng nông nghiệp tăng vượt mức trước Chiến tranh thế giới thứ hai, nạn đói có tính chất kinh niên được giải quyết về cơ bản.
Về công nghiệp, giai cấp công nhân với tinh thần dựa vào sức mình là chính đã nhanh chóng khôi phục và mở rộng hầu hết các cơ sở công nghiệp quan trọng như mỏ than Hòn Gai, nhà máy xi măng Hải Phòng, nhà máy dệt Nam Định, nhà máy điện Hà Nội... ; xây dựng thêm nhiều nhà máy như nhà máy cơ khí Hà Nội, diêm Thống Nhất, gỗ Cầu Đuống, thuốc lá Thăng Long, cá hộp Hải Phòng, chè Phú Thọ... Đến cuối năm 1957, miền Bắc có tất cả 97 nhà máy, xí nghiệp do Nhà nước quản lí.
Về thủ công nghiệp, có nhiều mặt hàng tiêu dùng được sản xuất thêm, bảo đảm nhu cầu tối thiểu của đời sống, giải quyết phần nào việc làm cho người lao động. Đến cuối năm 1957, số thợ thủ công miền Bắc tăng gấp hai lần so với trước Chiến tranh thế giới thứ hai.
Về thương nghiệp, hệ thống mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán được mở rộng, đã cung cấp ngày càng nhiều mặt hàng cho nhân dân ; giao lưu hàng hóa giữa các địa phương ngày càng phát triển : hoạt động ngoại thương dần dần tập trung vào tay Nhà nước. Đến cuối năm 1957, miền Bắc đặt quan hệ buôn bán với 27 nước. 
Về giao thông vận tải, gần 700 km đường sắt bị phá được khôi phục ; sửa chữa và làm mới hàng nghìn km đường ô tô; xây dựng lại và mở rộng thêm nhiều bến cảng như Hải Phòng. Hòn Gai, Cẩm Phả, Bến Thủy, Đường hàng không dân dụng quốc tế được khai thông.
3. Cải tạo quan hệ sản xuất, bước đầu phát triển kinh tế- văn hóa
(1958 - 1960)
Trong ba năm tiếp theo (1958 - 1960), miền Bắc tiến hành cải tạo quan hệ sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, công thương nghiệp tư bản tư doanh nhằm vận động những nông dân cá thể, những thợ thủ công, những thương nhân và nhà tư sản tham gia lao động tập thể trong các hợp tác xã, quốc doanh hoặc công tư hợp doanh. Khâu chính là hợp tác hóa nông nghiệp.
Kết quả cải tạo là xóa bỏ chế độ người bóc lột người, có tác dụng thúc đẩy sản xuất phát triển, nhất là trong điều kiện chiến tranh. Hợp tác xã đã bảo đảm đời sống cho nhân dân lao động, tạo điều kiện vật chất, tinh thần cho những người ra đi chiến đấu và phục vụ vụ chiến đấu.

 
Trong cải tạo, chúng ta đã phạm một số sai lầm như đã đồng nhất có tạo với xóa bỏ tư hữu và các thành phần kinh tế cá thể ; thực hiện sai các nguyên tắc xây dựng hợp tác xã là tự nguyện, công bằng, dân chủ, cùng có lợi. Do đó, không làm cho hợp tác xã phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của xã viên trong sản xuất.

Đồng thời với cải tạo, miền Bắc thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng, phát triển kinh tế - văn hóa. Trong phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển thành phần kinh tế quốc doanh, miền Bắc đạt được thành tựu đáng kể như đã xây dựng thêm nhiều nhà máy, xí nghiệp, nông trường. Nhà máy gang thép Thái Nguyên là cơ sở luyện kim đầu tiên ở miền Bắc được xây dựng trong thời kì này. Đến cuối năm 1960, miền Bắc có 172 cơ sở công nghiệp lớn do Trung ương quản lí và 500 cơ sở do địa phương quản lí.
Những tiến bộ về mặt kinh tế đã tạo điều kiện cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế phát triển. Đến cuối năm 1960, miền Bắc đã căn bản xóa xong nạn mù chữ ở miền xuôi cho những người dưới 50 tuổi. Hệ thống giáo dục phổ thông được hoàn chỉnh và mở rộng với số học sinh tăng 80% so với năm 1957. Miền Bắc có tất cả 9 trường đại học với hơn 11 000 sinh viên (gấp hai lần so với năm 1957). Cơ sở y tế tăng hơn 11 lần so với năm 1955.