Phát triển hậu phương kháng chiến về mọi mặt


Nội dung bài giảng

Về chính trị, ngày 3-3-1951, Việt Minh và Hội Liên Việt họp Đại hội I, đại biểu đã quyết định thống nhất hai tổ chức thành một mặt trận duy nhất là Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt). Đảng Lao đông Việt Nam chính thức ra mắt trước đại biểu nhân dân tham dự Đại hội.


Hình 49. Những đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt

Ngày 11 - 3 - 1951, Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Khơ-me và Mặt trận Lào đại diện cho nhân dân ba nước họp Hội nghị đại biểu, thành lập “Liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng và tôn trọng chủ quyền của nhau.

Trên mặt trận kinh tế, năm 1952, Đảng và Chính phủ đề ra cuộc vận động tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, đã lôi cuốn mọi nguời, mọi ngành, mọi giới tham gia.
Đi đôi với đẩy mạnh sản xuất, Đảng và Chính phủ đề ra nhiều chính sách nhằm chấn chỉnh chế độ thuế khoá, xây dựng nền tài chính, ngân hàng và thương nghiệp.
Để bồi dưỡng sức dân, trước hết là nông dân, đầu năm 1953 Đảng và Chính phủ quyết định phát động quần chúng triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất. Tháng 12 - 1953, kì họp thứ ba Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua “Luật cải cách ruộng đất” và quyết định tiến hành cải cách ruộng đất ở vùng tự do.
Từ tháng 4 - 1953 đến tháng 7 - 1954, ta thực hiện tất cả 5 đợt giảm tô và đợt cải cách ruộng đất ở một số xã thuộc vùng tự do.
Đến cuối năm 1953, tính từ Liên khu IV trở ra, cách mạng đã tạm cấp hơn 18 vạn hécta ruộng đất của thực dân, địa chủ, ruộng đất vắng chủ và ruộng đất bỏ hoang cho nông dân.
Về văn hoá giáo dục, cải cách giáo dục đề ra từ tháng 7 - 1950 được tiếp tục thực hiện theo ba phương châm : phục vụ kháng chiến, phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh.
Số người đi học và học sinh phổ thông năm 1954 đều tăng so với năm 1950 : cấp I tăng 130%, cấp II và III - tăng 300%. Năm 1954, số sinh viên đại học và trung học chuyên nghiệp là 4 247 người.Từ năm 1951 đến năm 1953, ta đào tạo được 7 000 cán bộ kĩ thuật; đến năm 1954, ta có 3 400 học sinh được gửi đi học nước ngoài.
Phong trào thi đua yêu nước ngày càng ăn sâu và lan rộng trong nhiều đơn vị, cá nhân ưu tú. Ngày 1 - 5 - 1952, Đại hội Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ I với 154 cán bộ và chiến sĩ tiêu biểu cho các ngành đươc khai mạc tai căn cứ địa Việt Bắc. Đại hội tổng kết, biểu dương thành tích của phong trào thi đua yêu nước và chọn đuợc 7 anh hùng.