Tình hình thế giới và trong nước. Sử 9


Nội dung bài giảng

Cuộc khủng hoảng kinh tế trong những năm 1929 - 1933 đã làm cho mâu thuẫn xã hội trong các nước tư bản chủ nghĩa càng thêm sâu sắc. Giai cấp tư sản lũng đoạn ở nhiều nước mưu tìm lối thoát ra khỏi khủng hoảng bằng cách thiết lập chế độ phát xít - một chế độ độc tài tàn bạo nhất của tư bản tài chính.
Chúng ra sức xóa bỏ mọi quyền tự do dân chủ của nhân dân trong nước và ráo riết chuẩn bị cuộc chiến tranh mới để chia lại thị trường và các vùng thuộc địa trên thế giới. Chúng cùng mưu đồ tấn công Liên Xô - thành trì của cách mạng thế giới, hi vọng đẩy lùi phong trào cách mạng vô sản đang phát triển trong nước và trên toàn thế giới. Chủ nghĩa phát xít Đức, I-ta-li-a, Nhật cùng bè lũ tay sai ở một số nước (Pháp, Tây Ban Nha...) trở thành mối nguy cơ dẫn tới một cuộc chiến tranh mới. 
Đứng trước nguy cơ đó, Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản họp ở Mát-xcơ-va (7-1935) xác định kẻ thù nguy hiểm trước mắt của nhân dân thế giới là chủ nghĩa phát xít. Đại hội đề ra chủ trương thành lập Mặt trận Nhân dân ở các nước, nhằm tập hợp rộng rãi các lực lượng dân chủ đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh do chúng gây ra.
Năm 1936, Mặt trận Nhân dân Pháp do Đảng Cộng sản Pháp làm nòng cốt, thắng cử vào Nghị viện và lên cầm quyền. Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp đã áp dụng một số chính sách tự do dân chủ cho các nước thuộc địa. Một số tù chính trị ở Việt Nam được thả ra đã nhanh chóng tìm cách hoạt động trở lại.
Lúc đó, ở Việt Nam, hậu quả kéo dài của cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 đã tác động sâu sắc không chỉ đến đời sống của các giai cấp và tầng lớp nhân dân lao động mà cả đến những nhà tư sản, địa chủ hạng vừa và nhỏ. Trong khi đó, bọn cầm quyền phản động ở Đông Dương vẫn tiếp tục thi hành chính sách bóc lột, vơ vét, khủng bố và đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân.