Đặc điểm chính của mỗi giới


Nội dung bài giảng

1. Giới Khởi sinh (Monera)
Giới Khởi sinh gồm những loài vi khuẩn là những sinh vật nhân sơ rất bé nhỏ, phần lớn có kích thước khoảng 1-5 um. Chúng xuất hiện khoảng 3.5 tỉ năm trước đây. 
Vi khuẩn sống khắp nơi : trong đất, nước, không khí, trên cơ thể sinh vật khác. Vi khuẩn có phương thức sinh sống rất đa dạng, một số sống hoại sinh, một số có khả năng tự tổng hợp chất hữu cơ nhờ năng lượng ánh sáng mặt trời hoặc từ quá trình phân giải các chất hữu cơ và một số sống kí sinh.
2. Giới Nguyên sinh (Protista)
Giới nguyên sinh gồm có :
- Tảo : Tảo là những sinh vật nhân thực, đơn bào hay đa bào, có sắc tố quang tự dưỡng, sống trong nước.
- Nấm nhầy là những sinh vật nhân thực, cơ thể tồn tại ở hai pha :pha đơn bào giống (trùng amip và pha hợp bào là khối chất nguyên sinh nhầy chứa nhiều nhân. Chúng là sinh vật dị dưỡng, sống hoại sinh.
- Động vật nguyên sinh : Động vật nguyên sinh rất đa dạng, cơ thể gồm một tế bào có nhân thực. Chúng là sinh vật dị dưỡng hoặc tự dưỡng.
3. Giới Nấm (Fungi)
Đặc điểm chung của giới Nấm : Giới Nấm gồm những sinh vật nhân thực, cơ thể đơn bào hoặc đa bào, cấu trúc dạng sợi, phần lớn có thành tế bào chứa kitin, không có lục lạp. Nấm có hình thức sinh sản hữu tính và vô tính nhờ bào tử.Nấm là sinh vật dị dưỡng : hoại sinh, kí sinh hoặc cộng sinh.
Các dạng nấm gồm có : nấm men, nấm sợi, nấm đảm, chúng có nhiều đặc điểm khác nhau. Người ta cũng xếp địa y (được hình thành do sự cộng sinh giữa nấm và tảo hoặc vi khuẩn lam) vào giới Nấm.
4. Giới Thực vật (Plantae)
Giới thực vật gồm những sinh vật đa bào, nhân thực, có khả năng quang hợp và là sinh vật tự dưỡng, thành tế bào được cấu tạo bằng xenlulôzơ. Phần lớn sống cố định có khả năng cảm ứng chậm.
Giới Thực vật được phân thành các ngành chính : Rêu, Quyết, Hạt trần, Hạt kín. Chúng đều có chung một nguồn gốc là Tảo lục đa bào nguyên thủy.
Khi chuyển lên đời sống trên cạn, tổ tiên của giới Thực vật đã tiến hóa theo hai dạng khác nhau. Một dòng hình thành Rêu (thể giao tử chiếm ưu thế), dòng còn lại hình thành Quyết, Hạt trần, Hạt kín (thể bào tử chiếm ưu thế).
Giới thực vật cung cấp thức ăn cho giới Động vật, điều hòa khí hậu, hạn chế xói mòn, sụt lở, lũ lụt, hạn hán, giữ nguồn nước ngầm và có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái.
Giới Thực vật cung cấp lương thực, thực phẩm, gỗ, dược liệu cho con người. 
5. Giới Động vật (Animalia)
Giới Động vật gồm những sinh vật đa bào, nhân thực, dị dưỡng, có khả năng di chuyển nhờ có cơ quan vận động), có khả năng phản ứng nhanh.
Giới Động vật được chia thành các ngành chính sau : Thân lỗ, Ruột khoang, Giun dẹp, Giun tròn, Giun đốt, Thân mềm, Chân khớp, Da gai và Động vật có dây sống.
Giới Động vật rất đa dạng và phong phú, cơ thể có cấu trúc phức tạp với các cơ quan và hệ cơ quan chuyên hóa cao.
Động vật có vai trò quan trọng đối với tự nhiên (góp phần làm cân bằng hệ sinh thái) và con người (cung cấp nguyên liệu, thức ăn ...).