Hướng dẫn ôn tập


Nội dung bài giảng

Để có thể nắm chắc được các khái niệm và nội dung cơ bản của từng bài từng chương và thấy được các mối quan hệ hữu cơ giữa các kiến thức của các bài, các chương với nhau, các em nên tuân theo một quy trình sau đây.
1. Nắm chắc các khái niệm then chốt của từng bài và từng chương
Làm thế nào để biết được mình có thực sự hiểu đúng được những khái niệm cốt lõi của bài, của chương ?
Cách tốt nhất là sau khi học những khái niệm quan trọng, ta diễn đạt lại các khái niệm đó bằng ngôn từ của mình nhưng làm sao vẫn đảm bảo được đúng bản chất của các khái niệm.
Đặt ra các câu hỏi tại sao lại như vậy ? Làm thế nào người ta biết được điều đó ? ... Sau đó, hãy cố gắng tìm câu trả lời, nếu không trả lời được thì trao đổi với bạn hoặc hỏi giáo viên. Có như vậy, chúng ta mới hiểu bài sâu sắc và ghi nhớ lâu hơn.
2. Tìm kiếm mối liên hệ qua lại giữa các khái niệm
Kiến thức của các bài, các chương không tách rời mà có quan hệ lôgic với nhau. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ chú ý đến chi tiết nhưng lại không có cách nhìn khái quát, không xem xét sự việc một cách tổng thể thì kiến thức thu được chỉ là một tập hợp các khái niệm rời rạc. Cố học thuộc lòng các kiến thức rời rạc một cách máy móc thì sẽ lại quên đi rất nhanh và không thể vận dụng kiến thức để giải quyết được vấn đề của thực tiễn đời sống.
Cố gắng liên hệ giữa kiến thức mới với kiến thức đã học, giữa lí thuyết với thực tiễn. Có như vậy, chúng ta mới nhớ được lâu và biết cách vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề.
3. Xây dựng bản đồ khái niệm
Giống như một bản đồ giao thông cho ta biết các đường đi giữa các thành phố hay các đường phố của một thành phố thì bản đồ khái niệm là một sơ đồ cho ta biết các khái niệm khoa học có những mối liên hệ qua lại với nhau như thế nào. Có 2 loại bản đồ khái niệm : bản đồ phân nhánh (hình cây) và bản đồ mạng lưới.
Bản đồ khái niệm dạng phân nhánh : Dưới đây là một bản đồ khái niệm dạng phân nhánh còn đang vẽ dở. Các em hãy hoàn thành các phần còn lại.

Bản đồ khái niệm dạng mạng lưới : Các em có thể tự xây dựng các bản đồ khái niệm kiểu mạng lưới theo cách sau đây.
Trước hết xác định một chủ đề lớn. một quá trình rồi chọn ra một số khái niệm then chốt phản ánh chủ đề hoặc quá trình đó. Tiếp đến, vẽ các gạch nối hoặc mũi tên nối các khái niệm đó với nhau và bên trên mỗi mũi tên hay gạch nối ghi các lời chú thích sao cho phù hợp với mối quan hệ nhân quả giữa chúng và toàn bộ các mối liên hệ của bản đồ thể hiện chủ đề, quá trình đã chọn. Với cùng một bộ các khái niệm có thể vẽ được rất nhiều các bản đồ khái niệm khác. Bản đồ khái niệm được coi là sai khi các chú thích trên các mũi tên không phù hợp.
Ví dụ, với các khái niệm như ATT, lục lạp, ti thể, tế bào thực vật và hô hấp tế bào, ta có thể xây dựng được nhiều bản đồ khái niệm khác nhau thể hiện quá trình chuyển hóa năng lượng. Sau đây là một trong các bản đồ đó :

1. Lục lạp cung cấp vật liệu (đường glucôzơ) cho quá trình hô hấp tế bào.

2. Hô hấp tế bào tạo ra ATP làm nguồn năng lượng cho các hoạt động của tế bào.
3. Chu trình Crep và chuỗi chuyền electron của hô hấp tế bào được thực hiện phần lớn ở trong ti thể.
4. Lục lạp tạo ra ATP thông qua quá trình quang hợp.
5. ATP chủ yếu được tạo ra nhờ chuỗi chuyền electron trên màng trong của ti thể.
6. Lục lạp là bào quan thực hiện chức năng quang hợp của tế bào lá cây.
7. Tế bào thực vật chuyển đổi năng lượng ánh sáng mặt trời thành dạng năng lượng hóa học dưới dạng ATP.
8. Ti thể của tế bào thực vật là nơi chuyển hóa năng lượng trong glucôzơ thành ATP.