Đặc điểm xã hội Đông Nam Á


Nội dung bài giảng

Đông Nam Á có các biển, vịnh biển ăn sâu vào đất liền, tạo điều kiện cho các luồng di dân giữa đất liền và các đảo, cho sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia. các dân tộc. Người dân Đông Nam Á có nhiều nét tương đồng trong sinh hoạt, sản xuất như cùng trồng lúa nước, dùng trâu bò làm sức kéo, dùng gạo làm nguồn lương thực chính... Tuy vậy mỗi nước vẫn có những phong tục, tập quán, tín ngưỡng riêng tạo nên sự đa dạng trong văn hóa của cả khu vực. Ví dụ sự đa dạng về tín ngưỡng : đa số người Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a theo đạo Hồi ; người Mi-an-ma, Thái Lan, Cam-pu-chia và Lào theo đạo Phật ; ở Phi-líp-pin, đạo Ki-tô và đạo Hồi có số người theo đông nhất, ở Việt Nam cùng với đạo Phật, đạo Ki-tô, người dân còn có các tín ngưỡng địa phương.
Vị trí cầu nối và nguồn tài nguyên giàu có của Đông Nam Á đã thu hút sự chú ý của các nước đế quốc Cho tới trước Chiến tranh thế giới thứ hai, ba nước Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam bị đế quốc Pháp xâm chiếm ; Mi-an-ma, Ma-lai-xi-a trở thành thuộc địa của Anh ; In-đô-nê-xi-a là thuộc địa của Hà Lan ; Phi-líp-pin bị Tây Ban Nha và sau đó là Hoa Kì chiếm đóng.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, hầu hết các nước Đông Nam Á bị phát xít Nhật xâm chiếm. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước đã lần lượt giành được độc lập. Hiện nay đa số các quốc gia trong khu vực theo chế độ cộng hòa, bên cạnh đó là một số quốc gia theo chính thể quân chủ lập hiến. Các nước trong khu vực đều mong muốn hợp tác phát triển.
Các nước Đông Nam Á có những nét tương đồng trong nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, trong lịch sử đấu tranh giành độc lập và đang cùng nhau xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện, cùng nhau phát triển đất nước và khu vực.