Cách mạng Trung Quốc trong những năm 1919 - 1939


Nội dung bài giảng

Phong trào Ngũ tứ bùng nổ ngày 4 - 5 - 1919, mở đầu bằng cuộc biểu tình của 3000 học sinh yêu nước ở Bắc Kinh chống lại âm mưu xâu xé Trung Quốc của các nước đế quốc. Phong trào đã nhanh chóng lan rộng ra cả nước, lôi cuốn đông đảo công nhân, nông dân, trí thức yêu nước tham gia. Lực lượng chủ yếu của phong trào chuyển từ học sinh sang giai cấp công nhân.
Trong Phong trào Ngũ tứ, quần chúng giương cao các khẩu hiệu đấu tranh như “Trung Quốc của người Trung Quốc”, “Phế bò Hiêp Ước 21 điều" (quy định những điều khoản về quyền lợi của các nước đế quốc ở Trung Quốc)...
Phong trào Ngũ tứ mở đầu cho cao trào cách mạng chống đế quốc và chống phong kiến. Từ đó, chủ nghĩa Mác - Lê-nin được truyền bá rộng rãi ở Trung Quốc. Các nhóm cộng sản được hình thành tại một số thành phố. Tháng 7 - 1921, trên cơ sở các nhóm này. Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập.
Trong những năm 1926 - 1927, nhân dân Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng nhằm đánh đổ các tập đoàn quân phiệt đang chia nhau thống trị các vùng trong nước. Trong những năm 1927 - 1937, nhân dân Trung Quốc lại tiến hành cuộc nội chiến cách mạng nhằm lật đổ nền thống trị phản động của tập đoàn Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch - đại diện cho quyền lợi của đại địa chủ, đại tư sản và đế quốc ở Trung Quốc.
Tháng 7 - 1937. Nhật Bản phát động cuộc chiến tranh xâm lược quy mô nhằm thôn tính toàn bộ Trung Quốc. Trước nguy cơ dân tộc, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chủ động đề nghị Quốc dân đảng đình chỉ nội chiến, cùng hợp tác chống Nhật và cũng từ đó, cách mạng Trung Quốc chuyển sang thời kì Quốc - Cộng hợp tác để cùng nhau kháng chiến chống Nhật Bản xâm lược.