Các xu thế phát triển của thế giới ngày nay


Nội dung bài giảng

Dõi theo những sự kiện quan trọng đã diễn ra trong giai đoạn lịch sử thế giới từ sau năm 1945, có thể thấy sự tan rã của “trật tự hai cực” (1991) như một mốc đánh dấu cho sự phân kì của giai đoạn lịch sử này.
Giai đoạn lịch sử từ năm 1945 đến năm 1991 là giai đoạn thế giới phân đôi thành hai phe : xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa trong khuôn khổ của trật tự thế giới hai cực Xô - Mĩ. Thế giới hầu như bị tác động và chịu sự chi phối bởi những nhân tố này.
Giai đoạn lịch sử từ sau năm 1991 đến nay - thường được gọi là sau Chiến tranh lạnh, là giai đoạn trật tự thế giới cũ đã tan rã và một trật tự thế giới mới đang trong quá trình hình thành theo chiều hướng trật tự thế giới đa cực, với nhiều trung tâm. Ngày nay, các cường quốc đang ra sức vươn lên, điều chỉnh các mối quan hệ theo hướng hoà hoãn, thoả hiệp giữa các nước lớn để có một ưu thế trong trật tự thế giới mới. Đồng thời, dưới tác động của cách mạng khoa học - kĩ thuật, hầu như tất cả các quốc gia đang ra sức điều chỉnh chiến lược phát triển với việc lấy kinh tế làm trọng điểm và tích cực mở rộng các quan hệ quốc tế để cùng hợp tác phát triển.
Trong giai đoạn sau Chiến tranh lạnh, tuy nguy cơ chiến tranh thế giới đã bị đẩy lùi, nhưng hòa bình ở nhiều khu vực lại bị đe dọa nghiêm trọng : xung đột quân sự, nội chiến kéo dài do những mâu thuẫn về sắc tộc, dân tộc, tôn giáo và tranh chấp lãnh thổ. Ở nhiều nước, tình hình lại càng nghiêm trọng với những nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố và li khai.
Tuy nhiên, xu hướng chung của thế giới ngày nay là hoà bình, ổn định và hợp tác phát triển. Đây vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các dân tộc khi bước vào thế kỉ XXI.